Cách dạy trẻ hiếu động, kém tập trung
Trẻ có tình trạng hiếu động, khó có thể tập trung chú ý, thuật ngữ chuyên môn gọi là hội chứng tăng động (ADHD : Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder)
(ADHD : Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder). Theo từ vựng tâm lý của Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em (Trung tâm NT) tại Việt Nam hội chứng này còn được gọi là háu động. Trẻ trai bị nhiều hơn gấp 4 lần trẻ gái.
Theo nhiều tài liệu, nhiều tác giả cho rằng không nên gọi là một bệnh mà chỉ nên xem là một tình trạng không kiểm soát đươc hành vi ứng xử của mình. Thông thường người ta chỉ nhận ra tình trạng rối loạn khi trẻ trên 1 tuổi và thường có những biểu hiện sau:
- Hay khóc, thậm chí thường xuyên gào thét khi có một nhu cầu nào đó.
- Ngủ ít, hoạt động nhiều, không chịu ngồi yên dù chỉ là ngồi chơi với đồ chơi
- Ăn uống khó khăn
Cha mẹ và những ngưòi xung quanh sẽ nhận thấy trẻ « có vấn đề » rõ hơn theo sự phát triển dần lên của trẻ ; khi mà người lớn bắt đầu đòi hỏi trẻ «biết làm chủ bản thân » (biết chờ đợi, biết chấp hành một số kỷ luật…) đặc biệt là rối loạn này thường biểu hiện rõ khi trẻ bắt đầu bước vào quá trình xã hội hóa như khi bắt đầu đi học nhà trẻ/mẫu giáo.
Hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý là một tình trạng có những tổn thương về thần kinh mang tính di truyền mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt về liều lượng những chất dẫn truyền trong các tế bào não.
Đối với trẻ bị hội chứng ADHD, khi kiểm tra não bộ thường có các biểu hiện cho thấy ở những vùng não bị tổn thương, có những tế bào còn non, vì thế chúng không có khả năng sản xuất ra các hoạt chất dẫn truyền, điều này khiến cho việc truyền tải thông tin giữa những tế bào bị giảm sút. Tuy mang tính bẩm sinh, nhưng thường khi trẻ trên 3 tuổi những rối loạn về vận động và kém chú ý mới bộc lộ rõ ràng, và điều này sẽ kéo dài cho đến khi trẻ 14 tuổi, nếu được điều trị và tập luyện thì với độ tuổi này, việc tiết ra các chất dẫn truyền sẽ được cải thiện và trẻ sẽ ổn định. Ngược lại, nếu không được chăm sóc tốt, thì tình trạng sẽ không giảm bớt khiến trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại trong các mối quan hệ, ứng xử và sẽ có những ảnh hưởng nặng nề khi trẻ trưởng thành.
Các biểu hiện thường gặp ở trẻ:
– Luôn động đậy chân tay, ngọ nguậy người, đẩy bàn ghế, vẽ bẩn lên bàn ghế.
– Khó ngồi yên một chỗ, ngay cả khi người lớn yêu cầu.
– Dễ nổi cơn hung hăng, cào cấu, cắn bạn, vân vân. Cảm xúc thay đổi nhanh, có những cơn hờn giận kéo dài.
– Rất khó hòa nhập với nhóm, khó kết bạn, thường hay tự rút lui khỏi một nhóm bạn
Chân tay vụng về, hay làm đổ vỡ các đồ đạc trong nhà.
– Không biết vâng lời.
– Không biết tôn trọng giới hạn.
– Có những ứng xử không phù hợp với hoàn cảnh, không được chấp nhận, đặc biệt khi đến một môi trường lạ.
– Không biết rút ra bài học từ các sự việc, hiện tượng.
– Có rối loạn giấc ngủ.
– Những trẻ này hầu như chẳng bao giờ biết mệt mỏi là gì trong khi bố mẹ và những người lớn xung quanh thì mệt mỏi và hoa mắt lên khi nhìn chúng chạy nhảy.
– Khó khăn trong việc tập trung chú ý.
– Chậm phát triển hoặc có khó khăn về ngôn ngữ (vụng đọc, vụng viết, kém về ngữ pháp)
– Có thể có khó khăn trong việc học toán, nhất là toán đố.
Nguyên nhân:
Có hai quan điểm khác nhau về nguyên nhân gây ra ADHD:
1- Nguyên nhân tâm lý : Do có rối nhiễu trong gia đình, có sai lầm về phương pháp chăm sóc và giáo dục của cha mẹ. Nguyên nhân này được nhắc đến nhiều bởi các nhà tâm thần học và tâm lý học trẻ em.
2- Nguyên nhân thần kinh : Do rối loạn hoạt động não được nhắc đến nhiều bởi các nhà thần kinh học trẻ em. Từ năm 2001, các nhà sinh lý thần kinh học của Mỹ kết luận rằng trẻ có rối loạn này là do có tổn thương một vùng não, khiến trẻ khó tập trung chú ý và kiểm soát được tình trạng vận động.
3- Ngoài ra gần đây nhất có một số tác giả cũng đặt ra giả thiết nghiên cứu về nguyên nhân do gène di truyền nhưng hiện tại chưa có kết luận chính thức nào.
Những trẻ sinh non, sinh thiếu tháng, sinh mổ, cân nặng thấp dưới 1500g, mẹ hút thuốc hoặc uống nhiều rượu trong thời ký mang thai cũng là một trong những yếu tố có thể gây ra hội chứng rối loạn này ở trẻ, cả hai trường phái đều khẳng định là có sự tham gia tác động của yếu tố môi trường.
Chẩn đoán: Chẩn đoán là bước quan trọng nhất để dẫn đến quyết định đưa ra đường lối trị liệu, tất cả các chuyên gia đều cho rằng nên hết sức thận trọng khi đưa ra chẩn đoán trẻ mắc rối nhiễu này. Để chẩn đoán được trẻ cần được khám qua một quá trình như sau :
- Khám tổng thể về cơ thể để phát hiện các rối loạn thần kinh ở trẻ có nguy cơ Bại não
- Hỏi tiền sử gia đình và quan sát chính bản thân trẻ
- Khám thính giác, thị giác để đo lường phản ứng
- Thăm khám về khả năng trí tuệ và vận động thông qua cách trẻ sử dụng đồ chơi
- Xác định mức độ và chẩn đoán phân biệt với những rối loạn khác như tình trạng Tự Kỷ hay Trẻ chậm phát triển trí tuệ ( trẻ chậm khôn )
Thường trẻ được chẩn đoán là hiếu động kém chú ý thì ngoài các biểu hiện luôn động đậy chân tay, không ngồi yên một chỗ bao giờ phải có kèm theo một số biểu hiện như : rối loạn phát triển ngôn ngữ, rối loạn phát triển vận động (rất vụng về chẳng hạn) hoặc kém tập trung chú ý. Những trẻ này thường nhảy từ trò chơi này sang trò chơi khác, từ việc này sang việc khác mà ít khi hoàn thành việc nào cả, và chúng cũng thường hay quên. Trong một số trường hợp, rối loạn này còn có thể nhầm với trẻ tự kỷ.
Cũng như các rối loạn khác, ADHD có nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng và tiên lượng phụ thuộc vào mức độ cũng như trẻ có được can thiệp kịp thời và đúng hướng hay không. Nếu được cn thiệp kịp thời và đúng hướng, tỷ lệ đạt kết quả tốt là khoảng 75-80 %. Số còn lại tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và quá trình can thiệp.
Can thiệp: Do đây là một tình trạng rối loạn, nên cần có một kế hoạch can thiệp lâu dài theo hai hướng.
1 – Bằng các liệu pháp tâm lý – giáo dục:
Một chương trình can thiệp thường bao gồm nhiều liệu pháp, tùy theo tình trạng và mức độ của trẻ, trong đó có các yếu tố trị liệu ( Trị liệu nhận thức – hành vi ) và yếu tố giáo dục ( Giáo dục tâm vận động và các ứng dụng về nghệ thuật : vẽ, nặn, âm nhạc )
Sử dụng đồ chơi và trò chơi. Các trò chơi với cát hoặc nước được rất nhiều nhà tâm lý tại Pháp sử dụng. Tất nhiên để áp dụng được còn tùy vào điều kiện sống của gia đình, nhưng nếu điều kiện cho phép thì cha mẹ có thể cho bé tập bơi chẳng hạn. Đồ chơi nên chọn những đồ có nhiều màu sắc, đa dạng, có độ bền nhất định, có độ an toàn phù hợp với từng độ tuổi và từng mức độ nặng nhẹ của bệnh, từ dễ đến khó, từ đòi hỏi tập trung ít đến nhiều.
Tất cả các biện pháp trị liệu này nhằm dạy cho trẻ cách làm chủ các ứng xử, cách tiếp cận và nhận thức vấn đề, giúp cho gia đình tháo bỏ được những mâu thuẫn, thay đổi và sửa chữa những sai lầm nếu có, nâng đỡ gia đình, giúp cha mẹ vượt qua được những khó khăn trong tâm lý cũng như trong cư xử hàng ngày với con. Các biện pháp trị liệu tâm lý và hành vi thường đòi hỏi lòng kiên nhẫn và thời gian dài vì vậy, điều kiện tốt nhất là chính cha mẹ các em là người trực tiếp can thiệp, các chuyên viên chỉ là người hướng dẫn và hỗ trợ thông qua một chương trình Giáo dục Can thiệp sớm tại gia đình mang tính cá nhân – được chuyên gia biên soạn dựa theo các nguyên tắc và các bài tập từ dễ đến khó. Phụ huynh sẽ được hướng dẫn để áp dụng chương trình này một cách hợp lý.
2- Bằng thuốc:
Việc dùng thuốc hay không dùng thuốc là vấn đề gây tranh luận rất nhiều trong giới bác sĩ chuyên khoa cả ở Pháp và ở Mỹ, nghiêng về hướng sử dụng thuốc chủ yếu là các bác sĩ thần kinh trẻ em. Chống sử dụng thuốc chủ yếu là các nhà phân tâm, tâm lý học.
Thuốc được sử dụng cho ADHD là Ritaline, nằm trong nhóm thuốc dưỡng thần, đây là loại thuốc đặc thù để điều trị cho những trẻ này. Thuốc giúp cho trẻ tăng cường trí nhớ và tập trung hơn. Tuy nhiên, chỉ có người làm trong các chuyên ngành tâm thần, thần kinh và nhi khoa mới được phép kê đơn thuốc này, và việc sử dụng thuốc cũng được theo dõi rất chặt chẽ của những nhà chuyên khoa.
Thuốc thường được chỉ định cho trẻ từ 6 tuổi trở lên do có thể có những tác dụng không tốt cho hệ thống thần kinh đang phát triển của trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tuổi, ADHD thì các biện pháp can thiệp tâm lý sẽ thích hợp hơn.
3 – Các biện pháp phối hợp khác:
Năm 1974, bác sĩ nhi khoa Freingold phát hiện ra rằng những chất phụ gia thực phẩm, đặc biêt trong nước uống làm cho rối loạn này ở trẻ tiến triển nặng hơn.
Năm 1980, Một dược sỹ người Đức là bà Hertha Hafer xuất bản cuốn sách « la Drogue cachée » (tạm dịch là thuốc độc giấu mặt), viết về những quan sát của bà trên chính đứa con nuôi cũng bị ADHD, cuốn sách có nêu ra rất nhiều loại thức ăn có thể gây hậu quả xấu lên những trẻ bị ADHD như các chất phụ gia, đường, các phosphate được thêm vào trong một số loại thực phẩm chế biến sẵn, bánh quy, nước giải khát có gaz, sữa bò, cao cao, chocolate, cà chua, ngô.
Sau bà, một tác giả khác là Egger cũng nghiên cứu và đưa ra những kết luận tương tự. Các tác giả này khuyên gia đình nên áp dụng thử cho trẻ một chế độ dinh dưỡng như sau trong khoảng ba đến 4 tuần : Về nguyên tắc là một chế độ ăn không đường, không sữa bò và các sản phẩm sữa bò, không trứng, không cam quýt, không cà chua, không chất phụ gia. Cân đối giữa các protéine động vật và thực vật, nhiều rau quả. Cha mẹ phải tự chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, không mua đồ ăn nấu sẵn ( các loại Fast food ).
Để thay thế cho sữa bò và các sản phẩm của sữa bò, cha mẹ có thể cho trẻ ăn thêm thịt, uống sữa đậu nành, ăn tăng thêm đậu phụ và một số loại đậu khác. Hạn chế ăn trứng nhất có thể được. Dùng thêm dầu ăn như dầu hướng dương, đỗ tương, olive.
Chỉ uống nước đun sôi để nguội hoặc nước khoáng thiên nhiên, không được uống các loại nước có gaz như coca, bia.
Không được ăn đường, đặc biệt là đường kính trắng, không ăn kẹo và các loại bánh ngọt, để thay thế, có thể cho trẻ ăn mật ong, đường mía, mía, các loại hoa quả ngọt.
Thường thì sau khoảng 3-4 tuần, ứng xử của trẻ sẽ có thể thay đổi. Khi đó, cha mẹ có thể cho trẻ ăn trở lại một cách tuần tự những thức ăn đã bị loại bỏ trong thời gian qua (cứ ba đến bốn ngày lại thêm vào một loại) và theo dõi phản ứng của trẻ để biết được đâu là nguyên nhân chính gây tăng thêm triệu chứng rối nhiễu cho trẻ. Đối với một số trẻ, thủ phạm chính là các loại nước có gaz, đối với trẻ khác là cà chua… Sau đó cha mẹ có thể thiết lập được một chế độ ăn thích hợp cho trẻ.
Về chăm sóc hàng ngày:
Khi đã ở trong trạng thái rối loạn này, trẻ thuờng có những mặc cảm về bản thân mình, mình là đứa bé chẳng đựơc ai yêu…tất cả những gì bé phải trải qua trong quá trình giao tiếp với người khác dễ đẩy bé đến trạng thái thu mình, dần dà những ý niệm về bản thân của bé sẽ bị chuyển về chiều hướng tiêu cực. Trong khi đó gia đình cha mẹ thì lại quá mệt mỏi và căng thẳng, dẫn đến việc có thể có những sự cáu giận ngoài mong muốn với trẻ, tất cả những điều này đẩy trẻ và cả gia đình vào vòng luẩn quẩn. Sự bình tĩnh chấp nhận để tìm ra lối hành xử đúng là thái độ lý tưởng cần có của cha mẹ và những nguời thân, bạn hãy làm cho trẻ cảm thấy tình yêu thương của bạn.
Trẻ hiếu động đặc biệt cần một sự đều đặn trong sinh hoạt hàng ngày như người chăm sóc, giờ giấc ăn ngủ… Nếu có điều kiện, cha mẹ nên chỉ để cho bé đến trường MG nửa ngày, nửa ngày còn lại nên để dành cho những giáo dục cá nhân tại gia đình.
Tránh môi trường quá ồn ào, tránh nói quá to với bé, tránh quát tháo ầm ĩ làm cho bé sợ, tránh sự kích động của những trò chơi, phim ảnh mang tính chất bạo lực hoặc có thể có tác động quá mạnh với bé, tránh để bé xem vô tuyến hoặc tiếp xúc nhiều với máy tính.
Tránh việc giáo dục mang tính chất tập thể, mỗi người nói một câu, khi nào nói với bé cũng chỉ nên một người nói.
Chú trọng việc giao tiếp mắt – mắt, có nghĩa là khi bạn cần nói với bé điều gì, tốt nhất là đến trước mặt bé, bạn có thể cúi xuống hoặc đặt bé lên cao để bạn có thể nhìn thẳng được vào mắt bé, nói nhẹ nhàng và rõ ràng, nên sử dụng câu ngắn và dễ nhớ, bạn có thể yêu cầu bé nhắc lại để xem bé đã thực sự hiểu điều bạn nói chưa.
Khi bé trở nên quá hiếu động, không nghe lời bạn nói, bạn nên ôm bé vào lòng, vuốt nhẹ dọc sống lưng bé, chờ bé vượt qua cơn kích động rồi hãy nói chuyện với bé.
Trước khi ngủ nên tập cho bé thư giãn nhẹ nhẹ, xoa người cho bé, đặc biệt là dọc hai bên lưng để giúp bé ngủ say và sâu hơn.
Đồ chơi và trò chơi, cần tránh những trò chơi mang tính chất kích động, cha mẹ nên sắp xếp để bé có một góc chơi riêng yên tĩnh trong nhà, dù là rất nhỏ. Còn nếu có điều kiện, bạn nên cho bé một phòng rộng rãi để ngoài chơi bé có thể chạy nhảy một chút mà không làm phiền đến các thành viên khác trong nhà.